Hí hửng tưởng với được xe sang giá bèo
Nguyễn Quang Hạnh, 24 tuổi, đang sống cùng bố mẹ tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, kể, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi và có ngoại ngữ tốt, anh xin được việc làm ổn định tại một quận nội thành, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Sau 1 thời gian dành dụm, Hạnh có hơn 200 triệu trong tay và bắt đầu nghĩ đến việc mua ô tô để đi làm, thay cho chiếc "mui trần 2 bánh" đang sử dụng. "Vấn đề là từ nhà tôi đi vào thành phố làm việc xa quá, mỗi lượt đi gần 30km, phải dậy sớm về muộn, cộng với thời tiết lúc mưa lúc nắng rất vất vả. Có những hôm mưa lớn hay làm việc muộn không dám về, phải ngủ lại công ty. Nếu có chiếc ô tô đi làm thì thật tiện lợi", anh nói.
Với số tiền tiết kiệm và thu nhập khá, lại chưa có vợ con, nên khát khao lên đời xế hộp ngày càng cháy bỏng. Biết tiền dành dụm được chưa nhiều, nên Hạnh cũng không mơ ước cao xa. Mọi người thì khuyên, với số tiền đó nên kiếm một chiếc xe nhỏ cỡ giá dưới 400 triệu đồng, vay càng ít càng đỡ.
Nhưng xem đi xem lại, anh thấy những chiếc xe giá dưới 400 triệu đồng thường được cái này thì mất cái kia, thiếu rất nhiều trang bị. Chưa kể, anh vẫn phải vay thêm hơn 200 triệu đồng, phải trả nợ hàng tháng cũng khá mệt mỏi.
Một lần lên mạng tìm xe cũ, Hạnh thấy khách hàng rao bán chiếc BMW 318i đời 2002, màu bạc, giá 200 triệu đồng. Đến tận nơi xem xe, cũng thấy khá long lanh. Nội thất vẫn còn "xịn", khung gầm chắc chắn, khoang xe rộng rãi, nên anh ưng ý ngay.
Sau một hồi "cò kè", giá bán giảm xuống còn 178 triệu đồng. Cũng biết với xe sang cũ , đời càng sâu thì chi phí bảo dưỡng không hề ít, mọi người cũng khuyên nên cân nhắc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại anh thấy giá quá "bèo", mua về không vừa ý, bán lại chắc cũng không đến nỗi lỗ nặng. Hơn nữa đang là thanh niên tự do, thích thì cứ thử, có mất chút ít cũng chẳng nên tiếc, chẳng ảnh hưởng tới ai, thế là Hạnh quyết mua.
Rước xe về rồi, việc đầu tiên là anh mang đến một gara để kiểm tra tổng thể, xem cần phải thay thế, bảo dưỡng những gì. Kỹ thuật viên tại đây sau một hồi xem xét thông báo, bảo dưỡng và bơm ga điều hòa, bảo dưỡng giảm sóc trước và thay cao su đệm đầu giảm sóc, thay dầu hộp số, thay nước làm mát, dầu phanh, lọc dầu,... rồi in cho cái hóa đơn Hạnh nhìn đã phát hoảng.
Chẳng hạn, riêng thay cao su đệm đầu giảm sóc trước đã hết 2 triệu đồng 2 cái, bảo dưỡng giảm sóc trước hết 6 triệu 2 cái đã là 8 triệu đồng. Dầu hộp số thay mới hết hơn 4 triệu, bảo dưỡng và bơm ga điều hòa hết 2 triệu đồng, thay lọc dầu, nước làm mát thêm 2 triệu nữa. Tính ra hết tổng cộng 16 triệu đồng.
Thôi thì anh cũng tặc lưỡi, tự an ủi làm như vậy sẽ giúp cho chiếc xe hoạt động tốt hơn, coi như cộng vào giá tiền mua xe.
Dại dột trót rước "của nợ"
Tuy nhiên, đến lúc lấy xe rồi đi mới thấy còn nhiều rắc rối. Điều hòa dù đã bơm ga mới và bảo dưỡng nhưng vẫn không đủ mát, nhất là đi vào những ngày nắng nóng. Nếu thay điều hòa mới, anh mất thêm 10 triệu.
Đang phân vân không biết có nên thay không, thì một lần đi dưới trời mưa to, thấy cần gạt nước hoạt động đều mà không xua hết nước, nhìn đường rất khó. Lại mang tới gara kiểm tra thì Hạnh được thông báo, chổi gạt nước quá cũ và mòn hết sạch, thay mới đồ xịn giá 3 triệu đồng/bộ.
Chưa hết, xe chạy được khoảng 2 tháng thì ắc quy chết, hỏi giá chiếc ắc quy xịn bị "hét" tới 20 triệu đồng. Anh không dám, đành mua chiếc ắc quy Hàn Quốc giá 10 triệu đồng kèm theo lời cảnh báo: chưa chắc đã hoạt động ổn định.
Ngoài ra, lốp cũng đã quá hạn sử dụng 5 năm, anh được khuyên nên thay để đảm bảo an toàn, giá khoảng 8 triệu đồng cho 4 chiếc, không tính chiếc dự phòng. Rồi phanh cũng mòn, cần thay,... Nếu thay hết những phụ tùng này thì chi phí cho chiếc xe sau khi mua về sẽ đội thêm hơn 50 triệu, gần bằng 1/3 giá mua, đi toi hơn 2 tháng lương.
Không những thế, chiếc xe này động cơ cũ nên cũng khá tốn xăng, khoảng 12 lít/100km. Với quãng đường gần 30 km một lượt thì chỉ 2 ngày đã hết hơn 100 km, trong khi xăng ngày càng tăng giá khiến chi phí nuôi xe cũng rất tốn. Đến lúc này Hạnh mới nhận ra mình đã dại dột rước "của nợ" về nhà.
Hôm vừa rồi, nhân ngày nghỉ, anh mang xe đến gara sửa chữa, gặp một bác đi bảo dưỡng chiếc BMW X3. Ông ấy kể, với dòng xe sang của Đức như BMW, Audi, Mercedes,... tính bình quân, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa vào khoảng 5.000 đồng/km. Như vậy, khi chiếc xe chạy được 100.000 km thì chi phí dành cho bảo dưỡng, thay thế phụ tùng sẽ vào khoảng 500 triệu đồng, tương đương với số tiền mua chiếc ô tô cỡ nhỏ hiện nay.
Xe nào qua nhiều đời chủ, các chủ trước không chăm sóc đúng chế độ thì người mua sau sẽ lãnh hậu quả, bởi nhiều thứ bị hỏng phải thay thế.
Tại Việt Nam, với dòng BMW chi phí sửa chữa thay thế phụ tùng thường cao hơn, bởi đây là xe sang có doanh số bán thấp. Ông này mua chiếc X3 mới, đời 2012 nhưng cứ mỗi lần vào xưởng bảo dưỡng đều hết khoảng 30 triệu đồng. Sợ nhất với dòng xe này khi phải thay bộ phanh hay giảm sóc, số tiền lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng nếu mua đồ chính hãng.
Một số kỹ thuật viên, sửa chữa xe lâu năm còn cho rằng, hệ thống tản nhiệt trên xe BMW hay gặp lỗi, dễ dẫn tới những hỏng hóc về động cơ, nhất là ở các phiên bản trước đây. Nên phải chuẩn bị tinh thần và tiền bạc để "lo" cho nó.
Nghe xong Hạnh thấy thật sự hoang mang, nếu giữ "của nợ" lại, ước tính phải chi cả trăm triệu cho nó vẫn chưa yên. Lương tháng chắc chẳng còn, nói gì tới dành dụm, vậy là anh quyết định rao bán. Sau nhiều ngày đăng tin, cuối cùng cũng đẩy được nó đi với giá 165 triệu đồng, chưa kể đã mất thêm trên 30 triệu đồng sửa chữa thay thế phụ tùng.
Quay lại với chiếc "mui trần 2 bánh", bị bỏ xó hơn 4 tháng qua, Hạnh thấy đời vui phơi phới như vừa trút được gánh nặng. Đành tính chuyện thuê nhà trên phố gần cơ quan, khỏi đi lại xa xôi và chăm chỉ làm việc, tích cóp đủ tiền mua một chiếc xế hộp đàng hoàng.